7 vùng kinh tế là gì? Việt Nam có những vùng kinh tế quan trọng nào?

Có rất nhiều cách để chia lãnh thổ nước ta thành nhiều vùng khác nhau? Trong đó, phổ biến và quen thuộc nhất được đề cập trong sách giáo khoa địa lý lớp 12 là chia thành 7 vùng kinh tế trọng điểm của Việt Nam. Vậy 7 vùng này gồm các tỉnh nào? Cùng tìm hiểu ngay qua bài viết dưới đây.

7 vùng kinh tế trọng điểm của Việt Nam

Việt Nam được chia làm 7 vùng kinh tế trọng điểm như sau:

  1. Trung du và miền núi phía Bắc.
  2. Đồng bằng Bắc Bộ hay đồng bằng Sông Hồng.
  3. Bắc Trung Bộ.
  4. Ven biển Nam Trung Bộ.
  5. Tây Nguyên.
  6. Đông Nam Bộ.
  7. Đồng Bằng Sông Cửu Long.

Khu vực Trung du và miền núi phía Bắc

Trung du và miền núi phía Bắc vùng này bao gồm 15 tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Yên Bái, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Giang, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Quảng Ninh. Chia thành 2 nhóm chính là Tây và Đông Bắc.

Tổng diện tích của các tỉnh thuộc vùng Trung du và miền núi phía bắc là 100.965 km², tổng dân số ngày 1/4/2019 là 13.853.190 người, mật độ đạt 137 người/km².

Các thế mạnh kinh tế

  • Khai thác, chế biến khoáng sản và thủy điện.
  • Trồng và chế biến cây công nghiệp, cây dược liệu, rau quả cận nhiệt & ôn đới.
  • Chăn nuôi gia súc.
  • Kinh tế biển.

Khu vực Đồng bằng Bắc Bộ hay đồng bằng sông Hồng

Đồng bằng Bắc Bộ hay đồng bằng sông Hồng bao gồm các tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương: Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hà Nam, Hải Dương, Hưng Yên, Nam Định, Thái Bình, Vĩnh Phúc, Ninh Bình.

Toàn vùng có diện tích trên 20.973 km², tỷ lệ khoảng 7% tổng diện tích cả nước. Dân số khu vực Đồng bằng sông Hồng hiện nay là 22 543 607 (thống kê 1/4/2019) chiếm khoảng 22% tổng dân số cả nước, bình quân khoảng 1.060 người trên 1 km vuông. Đây là vùng có mật độ dân số cao nhất cả nước.

Các thế mạnh kinh tế

  • Tài nguyên nước phong phú như: hệ thống sông Hồng và sông Thái Bình, nước ngầm, nước nóng, nước khoáng.
  • Tài nguyên biển: bờ biển dài 400km, vùng biển có tiềm năng lớn để phát triển nhiều ngành kinh tế (đánh bắt và nuôi trồng thuỷ sản, giao thông, du lịch).
  • Theo quy luật cung cầu về lao động, vùng kinh tế này có nguồn lao động dồi dào, nguồn lao động này có nhiều kinh nghiệm và truyền thống trong sản xuất, chất lượng lao động cao.
  • Tạo ra thị trường có sức mua lớn.

Khu vực Bắc Trung Bộ

Vùng Bắc Trung Bộ bao gồm các 6 tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Diện tích khoảng 5,15 triệu ha (tỷ lệ 10,5% so với tổng diện tích cả nước) với khoảng trên 10,5 triệu dân (tỷ lệ 15,5% so với tổng dân số cả nước), bình quân khoảng 204 người trên 1 cây số vuông.

Các thế mạnh kinh tế

  • Khả năng phát triển vườn rừng, chăn nuôi đại gia súc.
  • Hệ thống sông Mã, sông Cả có giá trị về thuỷ lợi, tiềm năng thuỷ điện và giao thông (hạ lưu).
  • Khoáng sản: sắt Thạch Khê, crôm Cổ Định, thiếc Quỳ Hợp, đá vôi Thanh Hóa…
  • Rừng có diện tích tương đối lớn, tập trung chủ yếu ở phía Tây-biên giới Việt-Lào.
  • Các tỉnh đều giáp biển nên có khả năng phát triển đánh bắt và nuôi trồng thuỷ sản.
  • Vùng có tài nguyên du lịch đáng kể, nổi tiếng: bãi biển Sầm Sơn, Cửa Lò, Lăng Cô; di sản thiên nhiên thế giới: Phong Nha-Kẻ Bàng, di sản văn hóa thế giới: Cố đô Huế…

Vùng duyên hải Nam Trung Bộ

Vùng duyên hải Nam Trung Bộ bao gồm các tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận, Ninh Thuận. Diện tích hơn 45.000 km² (tỷ lệ 13,6% so với tổng diện tích cả nước) với trên 10 triệu dân (tỷ lệ 10,7% so với tổng dân số cả nước), mật độ dân số bình quân 230 người/km².

Các thế mạnh kinh tế

  • Diện tích rừng hơn 1,7 triệu ha, độ che phủ rừng là 38,9%, nhưng có đến 97% là rừng gỗ, chỉ có 2,4% là rừng tre nứa. Rừng có nhiều loại gỗ, chim và thú quý.
  • Vùng gò đồi thuận lợi chăn nuôi bò, cừu, dê.
  • Các nhánh núi ăn ra biển tạo nên hàng loạt các bán đảo, vịnh biển và nhiều bãi biển đẹp tạo cho vùng có nhiều tiềm năng phát triển đánh bắt và nuôi trồng thuỷ sản, du lịch.

Vùng Tây Nguyên

Vùng Tây Nguyên bao gồm các tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng. Tây Nguyên có 5 tỉnh với diện tích gần 5,5 triệu ha (Tỷ lệ 16,4% so với tổng diện tích cả nước) với gần 5,7 triệu dân (Tỷ lệ 5,9% so với tổng dân số cả nước), bình quân 104 người trên 1 cây số vuông.

Các thế mạnh kinh tế

  • Đất bazan giàu dinh dưỡng với diện tích lớn nhất cả nước.
  • Diện tích rừng và độ che phủ rừng cao nhất nước ta.
  • Có quặng bô-xít với trữ lượng hàng tỷ tấn.
  • Trữ năng thủy điện tương đối lớn trên các sông: Xê Xan, Xrê Pok, thượng nguồn sông Đồng Nai.

Vùng Đông Nam Bộ

Vùng Đông Nam Bộ bao gồm các tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương: Thành phố Hồ Chí Minh và 5 tỉnh: Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai và Tây Ninh.

Theo số liệu mới đây năm 2019 của Tổng cục Thống kê VN, tổng dân số của vùng Đông Nam Bộ là 17.828.907 người (không kể số người tạm trú lâu dài) trên một diện tích là 23.564,4 km², với mật độ dân số bình quân 706 người/km², chiếm 18.5% dân số cả nước.

Các thế mạnh kinh tế

  • Khí hậu cận xích đạo thuận lợi trồng cây công nghiệp nhiệt đới: cao su, café, đỗ tương, thuốc lá, cây ăn quả…
  • Vùng nằm gần các ngư trường lớn: Ninh Thuận-Bình Thuận-BRVT, Cà Mau-Kiên Giang có điều kiện xây dựng các cảng cá, nuôi trồng và đánh bắt thủy sản.
  • Hệ thống sông Đồng Nai có giá lớn về thuỷ điện, GT, thuỷ lợi, thuỷ sản.
  • Khoáng sản: dầu, khí trữ lượng lớn ở thềm lục địa Vũng Tàu.

Vùng đồng bằng sông Cửu Long

Vùng đồng bằng sông Cửu Long bao gồm các tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương là Cần Thơ, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau.

Năm 2019, Đồng bằng sông Cửu Long là đồng bằng có tổng diện 40.547,2 km² và có tổng dân số toàn vùng là 17.367.169 người. Đồng bằng sông Cửu Long chiếm 13% diện tích cả nước nhưng có gần 18% dân số cả nước.

Các thế mạnh kinh tế

  • Vùng biển có hàng trăm bãi cá, bãi tôm với nhiều hải sản quý, chiếm 54% trữ lượng cá biển cả nước.
  • Đất phù sa ngọt ven sông Tiền, sông Hậu, có diện tích 1,2 triệu ha (30% diện tích vùng) là đất tốt nhất thích hợp trồng lúa.

Trên đây là thông tin về 7 vùng kinh tế trọng điểm của Việt Nam, mong rằng bài viết này đã mang lại những thông tin giúp ích cho bạn.

Viết một bình luận