Lạm phát chi phí đẩy là gì? Chi phí nào gây nên lạm phát?

Lạm phát chi phí đẩy là gì? Những chi phí nào gây nên lạm phát? Để biết chi tiết, các bạn hãy tham khảo bài viết sau đây nhé!

Lạm phát là gì?

Trước khi nói đến lạm phát do chi phí đẩy thì chúng ta cần hiểu khái niệm lạm phát trước. Vậy lạm phát là gì?

Lạm phát được định nghĩa trong kinh tế học là sự suy giảm sức mua của một loại tiền tệ nhất định theo thời gian. Tình trạng này được phản ánh rõ nét trong sự gia tăng của mức giá trung bình của một số hàng hóa và dịch vụ được lựa chọn trong một nền kinh tế ở một khoảng thời gian nào đó. Khi so sánh với các nền kinh tế khác, lạm phát là sự phá giá của một loại tiền tệ so với các loại tiền tệ khác.

Lạm phát có 3 mức độ:

  • Lạm phát tự nhiên: 0 – dưới 10%
  • Lạm phát phi mã: 10% đến dưới 1000%
  • Siêu lạm phát: trên 1000%

Một ví dụ kinh điển về tình trạng siêu lạm phát: Vào năm 1913, trước khi chiến tranh thế giới nổ ra, 1 USD = 4 Mark Đức. Tuy nhiên, chỉ 10 năm sau đó, 1 USD đổi được tới 4 tỉ Mark Đức. Ở thời điểm ấy, báo chí đã đăng tải những bức tranh ảnh biếm hoạ về vấn đề này: Người ta vẽ cảnh 1 người đẩy 1 xe tiền đến chợ chỉ để mua 1 chai sữa, hay 1 bức tranh cho thấy giá trị của đồng tiền Mark Đức lúc bấy giờ chỉ được sử dụng làm giấy dán tường hoặc dùng như 1 nhiên liệu.

Nói một cách dễ hiểu hơn, lạm phát là sự tăng mức giá chung một cách liên tục của hàng hóa và dịch vụ theo thời gian và sự mất giá trị của một loại tiền tệ nào đó. Khi mức giá chung tăng cao, một đơn vị tiền tệ sẽ mua được ít hàng hóa và dịch vụ hơn so với trước đây, do đó lạm phát phản ánh sự suy giảm sức mua trên một đơn vị tiền tệ.

Ví dụ: Trước đây khi đi chợ bạn chỉ tốn 100.000 VNĐ cho một bữa ăn. Còn bây giờ, bạn phải mất 150.000 VNĐ mới mua được bữa ăn y hệt như trước. Điều này có nghĩa, lạm phát đã tăng thêm 50% trong khoảng thời gian này.

Lạm phát do chi phí đẩy là gì?

Lạm phát do chi phí đẩy hay lạm phát đi kèm suy thoái trong tiếng Anh được gọi là cost-push inflation.

Lạm phát do chi phí đẩy là lạm phát xảy ra khi một số loại chi phí đồng loạt tăng lên trong toàn bộ nền kinh tế. Điều này có thể xảy ra do công nhân đòi tiền lương, cao hơn, giới chủ tìm cách tăng lợi nhuận, giá nguyên liệu nhập khẩu tăng, thời tiết bất thường làm cho sản lượng giảm (chi phí cho mỗi đơn vị sản lượng tăng) hay việc chính phủ tăng thuế và vận dụng những chính sách khác làm cho chi phí sản xuất tăng lên.

Trong đồ thị tổng  cung – tổng cầu, một cú sốc như vậy sẽ làm đường tổng cung dịch chuyển lên trên và sang bên trái. Trong bối cảnh đó, mọi biến số kinh tế vĩ mô trong nền kinh tế đều biến động theo chiều hướng bất lợi: sản lượng giảm, cả thất nghiệp và lạm phát đều tăng.

Các nhà tiền tệ cho rằng những hiện tượng như vậy chỉ gây ra lạm phát khi đồng thời có sự gia tăng của cung ứng tiền tệ, tức ngân hàng trung ương thực hiện chính sách tiền tệ mở rộng làm cho đường tổng cầu dịch chuyển lên phía trên bên phải. Họ lập luận rằng nếu không có chính sách tiền tệ mở rộng, hiện tượng chi phí đẩy sẽ dẫn tới sự giảm phát ( giá cả giảm ).

Chính vì vậy, loại lạm phát này được gọi là lạm phát do chi phí đẩy hay lạm phát đi kèm suy thoái (stagflation).

Những chi phí nào gây ra lạm phát?

Ba loại chi phí thường gây ra lạm phát là: tiền lương, thuế gián thu và giá nguyên liệu nhập khẩu.

+) Tiền lương

Khi công đoàn thành công trong việc đẩy tiền lương lên cao, các doanh nghiệp sẽ tìm cách tăng giá và kết quả là lạm phát xuất hiện. Vòng xoáy đi lên của tiền lương và giá cả sẽ tiếp diễn và trở nên nghiêm trọng nếu chính phủ tìm cách tránh suy thoái bằng cách mở rộng tiền tệ.

+) Thuế gián thu

Việc chính phủ tăng những loại thuế tác động đồng thời đến tất cả các nhà sản xuất cũng có thể gây ra lạm phát. Ở đây, thuế gián thu (kể cả thuế nhập khẩu, các loại lệ phí bắt buộc) đóng một vai trò đặc biệt quan trọng, vì chúng tác động trực tiếp tới giá cả hàng hoá.

Nếu so sánh với các nước phát triển là những nước có tỉ lệ thuế trực thu cao, chúng ta có thể nhận định rằng ở các nước đang phát triển, nơi mà thuế gián thu chiếm tỉ trọng lớn trong tổng nguồn thu từ thuế, thì thay đổi thuế gián thu dường như có tác động mạnh hơn tới lạm phát.

+) Giá nguyên liệu nhập khẩu

Đối với các nền kinh tế nhập khẩu nhiều loại nguyên, nhiên, vật liệu thiết yếu mà nền công nghiệp trong nước chưa sản xuất được, thì sự thay đổi giá của chúng (có thể do giá quốc tế thay đổi hoặc tỉ giá hối đoái biến động) sẽ có ảnh hưởng quan trọng đến tình hình lạm phát trong nước.

Nếu giá của chúng tăng mạnh trên thị trường thế giới hay đồng nội tệ giảm giá mạnh trên thị trường tài chính quốc tế, thì chi phí sản xuất trong nước sẽ tăng mạnh và lạm phát sẽ bùng nổ.

Những yếu tố nêu trên có thể tác động riêng rẽ, nhưng cũng có thể gây ra tác động tổng hợp, làm cho lạm phát có thể tăng tốc. Nếu chính phủ phản ứng quá mạnh thông qua các chính sách thích ứng, thì lạm phát có thể trở nên không kiểm soát được, như tình hình của nhiều nước công nghiệp trong thập niên 1970 và đầu thập niên 1980.

Bài viết trên đã thông tin tới bạn về khái niệm lạm phát chi phí đẩy cũng như nguyên nhân gây ra lạm phát. Mong rằng bài viết có thể giúp ích cho các bạn. Chúc các bạn thành công!

Viết một bình luận