Chính sách tài khóa mở rộng là một công cụ để thúc đẩy nền kinh tế vĩ mô phát triển theo chiều hướng tích cực nếu áp dụng đúng cách. Vậy chính sách tài khóa mở rộng là gì? Nó được áp dụng ra sao trong những năm gần đây, hãy cùng mình tìm hiểu chi tiết qua bài viết dưới đây.
Tài khóa là gì?
Trước khi đi tìm hiểu chính sách tài khóa mở rộng, chúng ta cần hiểu về khái niệm tài khóa trước.
Tài khóa là chu kỳ trong thời gian 12 tháng, có hiệu lực cho báo cáo dự toán và quyết toán hàng năm của ngân sách nhà nước cũng như của các doanh nghiệp. Tài khóa thường được sử dụng tương đương hoặc thay thế cho từ “năm quyết toán thuế” hoặc “năm tài chính”.
Khái niệm về chính sách tài khóa mở rộng
Chính sách tài khóa mở rộng là chính sách khi nền kinh tế quốc gia bị suy thoái, chính phủ có thể tăng mức chi tiêu, giảm thuế suất để thúc đẩy kinh tế (Chi tiêu công > Thuế). Tuy nhiên, một lưu ý rằng chính sách tài khóa mở rộng nếu không được chính phủ kiểm soát chặt chẽ có thể dẫn đến hình thành lạm phát.
Công cụ của chính sách tài khóa
Trong chính sách tài khoá, hai công cụ chủ yếu được sử dụng là chi tiêu của chính phủ và thuế. Trong đó:
Chi tiêu chính phủ
Chi tiêu của chính phủ sẽ bao gồm hai loại là: chi mua sắm hàng hóa dịch vụ và chi chuyển nhượng. Cụ thể:
- Chi mua hàng hoá dịch vụ: Tức là chính phủ dùng ngân sách để mua vũ khí, khí tài, xây dựng đường xá, cầu cống và các công trình kết cấu hạ tầng, trả lương cho đội ngũ cán bộ nhà nước…
- Chi chuyển nhượng: Là các khoản trợ cấp của chính phủ cho các đối tượng chính sách như người nghèo hay các nhóm dễ bị tổn thương khác trong xã hội.
Thuế
Có nhiều loại thuế khác nhau như thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bất động sản… nhưng cơ bản thuế được chia làm 2 loại sau:
- Thuế trực thu (direct taxes): Thuế đánh trực tiếp lên tài sản và/hoặc thu nhập của người dân.
- Thuế gián thu (indirect taxes): Thuế đánh lên giá trị của hàng hóa, dịch vụ trong lưu thông thông qua các hành vi sản xuất và tiêu dùng của nền kinh tế.
Trong một nền kinh tế nói chung, thuế sẽ có tác động theo hai cách. Theo đó:
- Thứ nhất: Trái ngược với chi chuyển nhượng, thuế làm giảm thu nhập khả dụng của cá nhân từ đó dẫn đến chi cho tiêu dùng hàng hoá và dịch vụ của cá nhân giảm xuống. Điều này khiến tổng cầu giảm và GDP giảm.
- Thứ hai: Thuế tác động khiến giá cả hàng hoá và dịch vụ “méo mó” từ đó gây ảnh hưởng đến hành vi và động cơ khuyến khích của cá nhân.
Vai trò của chính sách tài khóa trong nền kinh tế vĩ mô
Trong kinh tế vĩ mô, chính sách tài khóa có vai trò và ý nghĩa vô cùng quan trọng. Theo đó:
- Đây là công cụ giúp chính phủ điều tiết nền kinh tế thông qua chính sách chi tiêu mua sắm và thuế. Ở trong điều kiện bình thường, chính sách tài khoá được sử dụng để tác động vào tăng trưởng kinh tế. Còn trong điều kiện nền kinh tế có dấu hiệu suy thoái hay phát triển quá mức, chính sách tài khóa lại trở thành công cụ được sử dụng để giúp đưa nền kinh tế về trạng thái cân bằng.
- Về mặt lý thuyết, chính sách tài khóa là một công cụ nhằm khắc phục thất bại của thị trường, phân bổ có hiệu quả các nguồn lực trong nền kinh tế thông qua thực thi chính sách chi tiêu của chính phủ và thu ngân sách (thuế).
- Chính sách tài khóa là một công cụ phân phối và tái phân phối tổng sản phẩm quốc dân. Mục tiêu của chính sách là nhằm điều chỉnh phân phối thu nhập, cơ hội, tài sản, hay các rủi ro có nguồn gốc từ thị trường. Tức là chính sách tài khóa nhằm tạo lập một sự ổn định về mặt xã hội để tạo ra môi trường ổn định cho đầu tư và tăng trưởng.
- Chính sách tài khóa hướng tới mục tiêu tăng trưởng và định hướng phát triển. Tăng trưởng (thu nhập), trực tiếp hay gián tiếp, đều là mục tiêu cuối cùng của chính sách tài khóa.
Hạn chế của chính sách tài khóa
- Trễ về mặt thời gian: Để nhận biết sự thay đổi của tổng cầu, chính phủ phải mất một thời gian nhất định để thống kê số liệu về nền kinh tế vĩ mô (có thể đến 6 tháng). Sau khi nhận biết, việc chính phủ đưa ra những quyết định về chính sách cũng mất thêm một khoảng thời gian nữa. Và khi chính sách được thực thi thì cũng cần phải có thời gian để tác động.
- Khi kinh tế suy thoái, nghĩa là sản lượng thực tế thấp xa so với sản lượng tiềm năng và tỷ lệ thất nghiệp ở mức cao, thì thâm hụt ngân sách thường lớn. Lúc này việc tăng thêm chi tiêu của chính phủ sẽ làm cho thâm hụt ngân sách trở nên lớn hơn, không chỉ dẫn đến nguy cơ gia tăng lạm phát mà còn làm gia tăng thêm nợ của chính phủ. Từ đó có những tác động không thuận lợi đối với sự ổn định kinh tế vĩ mô.
- Việc tăng hay giảm chi tiêu ngân sách luôn là một nhiệm vụ khó khăn vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của các tầng lớp dân cư.
Trên đây là những thông tin về chính sách tài khóa mở rộng. Mong rằng bài viết này sẽ giúp ích cho các bạn. Hãy theo dõi để đón đọc những bài viết tiếp theo từ mình nhé!